Bắc Ninh: Nhân rộng diện tích cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên”

Với những ưu điểm vượt trội như giảm công cấy, lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; năng suất tăng từ 15-20%, sau 4 vụ sản xuất thử nghiệm, công nghệ cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên” đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của nông dân.

Trước đây, vào năm 2003 Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh đã từng triển khai mô hình cấy lúa “hàng rộng – hàng hẹp”, kỹ thuật cấy này cũng tương tự như phương pháp “hiệu ứng hàng biên” bây giờ. Tuy nhiên, kỹ thuật cấy “hàng rộng – hàng hẹp” lúc đó vẫn chưa thể hiện được sự hiệu quả, hay chưa thể hiện được ưu thế của hàng biên (hàng sông rộng) một cách tối ưu như kỹ thuật cấy hiệu ứng hàng biên ngày nay. Để tiếp tục đánh giá hiệu quả của phương pháp cấy này và đưa ra quy trình kỹ thuật phù hợp, làm cơ sở cho việc khuyến cáo và chỉ đạo mở rộng trong sản xuất, vụ mùa năm 2017, Trung Tâm Khuyến nông Bắc Ninh đã triển khai xây dựng mô hình giống lúa BC15 cấy theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên” với tổng diện tích 35 ha tại các huyện Thuận Thành, Lương Tài, TP Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du.

Trước khi bước vào thời vụ sản xuất, cán bộ phòng kỹ thuật Trung tâm  Khuyến nông đã phối hợp với trạm khuyến nông các huyện tìm điểm gieo cấy, ký kết hợp đồng tới điểm xây dựng mô hình, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên”. Tuyên truyền các xã viên gieo cấy tập trung, thành vùng quy hoạch để tiện theo dõi và chăm sóc.

Cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên” là một phương pháp cấy lúa thưa theo hàng rộng và hàng hẹp với những khoảng cách phù hợp nhằm tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá để kích thích lúa phát triển nhanh, đẻ sớm và đẻ nhánh khỏe, do đó làm tăng số cây/khóm và tăng số hạt/bông. Có nghĩa là cứ cấy hai hàng sông hẹp khoảng 20-22cm ( khóm cách khóm 20-2cm) lại cấy một hàng sông rộng 40 – 42 cm. Với giống lúa thuần BC15 thì cấy 15.9 khóm/m2, cấy 2 dảnh/khóm. Khi bón phân thì bón dọc theo hàng sông hẹp, không bón ra hàng sông rộng (điều này giúp giảm 30% lượng phân bón và là điểm khác biệt so với cấy thông thường). Sau cấy bộ rễ sớm hồi phục, rễ mới ra sớm, rễ dài, đặc biệt rễ có xu hướng phát triển chiều ngang, to và dài hơn phương pháp cấy thông thường. Đặc biệt, nhánh đẻ có tỷ lệ đồng đều rất cao, sự khác biệt về kích thước các nhánh là không lớn. Bản lá rộng hơn so với phương pháp thông thường. Giai đoạn lúa đứng cái, thời tiết nóng, có giông kèm theo mưa to về chiều, một số diện tích cấy theo phương pháp thông thường bị nhiễm bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, một số diện tích bón nặng đạm bị khô vằn. Tuy nhiên, do có độ thông thoáng cao trong quần thể ruộng lúa nên trên diện tích mô hình các đối tượng sâu bệnh hại giảm hơn so với cấy thông thường.

Lúa được cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên

Từ những ưu điểm đấy, qua hạch toán kinh tế mỗi sào lúa cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên sẽ giảm chi phí sản xuất được từ 150.000 – 200.000 đồng/sào (1 sào = 360 m2).

Ông Lê Xuân Tráng, Chủ tịch HĐQT HTX Nghĩa Đạo cho biết: “So với cấy thông thường phương pháp cấy lúa theo “hiệu ứng hàng biên” này giúp giảm được 1/2 chi phí công cấy, giảm được 1/3 lượng giống, giảm được 1/3 chi phí cho thuốc BVTV, nhiều rảnh to, nhiều bông hữu hiệu hơn. Trong thời gian tới HĐQT HTX sẽ tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xã mở rộng diện tích”.

Đến nay tính đến hết vụ mùa năm 2017 cả tỉnh Bắc Ninh đã có gần 100 ha lúa cấy theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên”.

Nguyễn Công Cường

Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh