QUY TRÌNH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CÀ CHUA

  1. 1. Thời vụ

– Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 10-11 dương lịch và thu hoạch vào tháng 1-2 dương lịch, đây là mùa vụ thích hợp nhất. Chú ý cây con trong thời điểm còn mưa cần chăm sóc cẩn thận.

– Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 12-1 dương lịch và thu hoạch tháng 3-4 dương lịch, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa khô, nóng khả năng đậu trái kém, cần chọn giống chịu nóng.

– Vụ Hè Thu: Gieo tháng 6-7 dương lịch và thu hoạch tháng 9-10 dương lịch, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa mưa, do đó đất trồng phải thoát nước tốt, chọn giống chịu mưa, ít rụng hoa, ít nứt trái, chín có màu đỏ đẹp.

  1. Chuẩn bị hạt giống

Trước khi gieo hạt nên ngâm hạt trong nước ấm 40-50 độ C trong khoảng 3 giờ. Sau đó, cho hạt vào túi vải bọc giấy kín. Để ở chỗ kín. Sau khoảng 3-4 ngày rễ mọc thì đem gieo.

  1. Chuẩn bị đất trồng

* 3.1. Chọn đất: Cà chua chịu úng kém nên chọn đất cao ráo dễ thoát nước. Không đập đất quá nhỏ thành dạng đất bột.

– Trên đất cũ (đất chuyên rau, đã trồng rau vụ trước): Chú ý ít nhất 1-2 vụ trước không trồng các cây nhóm cà (ớt, cà tím, cà pháo, thuốc lá). Bởi vì các cây này cùng chung họ hàng nên có cùng tác nhân gây hại (bệnh héo xanh trên cà chua, cà phổi, ớt) và chúng có sẳn trong đất dễ dàng gây hại cây con.

– Trên đất mới (mới lên liếp trồng): Trồng cà dễ thành công hơn, bởi vì đất được ngập nước trong thời gian trồng luá nên một số mầm bệnh ở trong đất bị tiêu diệt.

3.2. Lên luống

– Xử lý đất trước khi trồng bằng các loại thuốc như Vibam 10H lượng dùng theo chỉ dẫn của đơn vị sản xuất thuốc.

– Luống trồng cà chua rộng 1,4-1,5m, lên cao 20-25cm. Mặt luống rộng khoảng 110cm, rãnh luống rộng khoảng 25-30cm.

– Khoảng cách trồng cà chua: Cách hàng 70- 80 cm x cách cây 30- 40 cm.

3.3.Xới vun: Số lần xới vun TB/vụ từ 2-3 lần

Lần 1: sau khi cây bén rễ hồi xanh;

Lần 2: sau trồng 25-30 ngày, kết hợp vun đất vào gốc cho cây đứng vững;

Lần 3: sau trồng 35-40 ngày trước khi làm giàn.

  1. Bón phân

Bón lót: 10-12 kg NPK Hoa Tín 10-20-6+3SiO­2+TE

Bón thúc: NPK Hoa Tín 13-13-13+TE, NPK Hoa Tín 16-0-9+TE

+ Lần 1: Cây 3 lá thật với cây gieo hạt ( bén rễ hồi xanh với cây đánh từ vườn ươm)

+ Lần 2: Khi cây ra nụ

+ Lần 3: Sau khi thu hoạch lần 1

* Ghi chú: Phân bón sử dụng theo khuyến cáo in trên bao bì.

– Chỉ sử dụng các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

  1. Làm giàn, tỉa cành, tạo hình

– Làm giàn sau trồng từ 35-40 ngày, làm theo kiểu chữ A. Dùng dây mềm buộc cây lên giàn

– Với giống vô hạn: Cây cao, nhiều nhánh, lá nhiều cần làm giàn, tỉa nhánh và tạo tán. Chỉ nên để 2 nhánh/cây (thân chính và nhánh phụ dưới chùm hoa thứ nhất).

– Trên thân chính để 4 chùm, nhánh phụ 3 chùm (7 chùm/cây; 4-5 quả/chùm)

– Khi trên cây đạt đủ số chùm thì bấm ngọn, khi bấm ngọn cần giữ lại một số lá để che cho chùm hoa cuối cùng không bị ánh sáng trực xạ chiếu vào.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

6.1. Các loại bệnh hại chủ yếu:

Bệnh lở cổ rễ, và bệnh héo rũ ở cây con: Dùng thuốc VibenC BTN nồng độ 0,2%, Ridomil 72WP nồng độ 0,15% hoặc Validacin, nồng độ 0,2% phun vào buổi chiều mát, không mưa

Bệnh sương mai: (Phytophthora infestans) bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, như: lá, thân, quả. Bệnh hại chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Sử dụng các loại thuốc: Ridomil MZ 72 WP, Zineb 80WP, Boóc đô… để phun phòng và trừ.

– Bệnh héo xanh vi khuẩn – Ralstonia solanacearum: Cây bị hại đột nhiên héo rũ, lá vẫn còn màu xanh.

+ Biện pháp phòng trừ:

+ Để phòng trừ bệnh cần luân canh với lúa nước. Có thể dùng kỹ thuật ghép cà chua trên gốc cà tím để tăng khả năng chịu úng và giảm bệnh héo xanh vi khuẩn trong vụ sớm.

+ Khi bệnh phát triển cần hạn chế tưới nước, đặc biệt là tưới rãnh. Nhổ bỏ cây bệnh, sau đó dùng vôi bột rắc quanh hốc cây bệnh. Thuốc hóa học để phòng trừ bệnh này thường kém hiệu quả.

Bệnh đốm lá: dùng các loại thuốc như  Score 250 EC, Anvil 5 SC, Rovral 50WP, Antracol 70WP để phun phòng và trừ.

6.2. Các loại sâu hại chủ yếu:

Sâu đục quả: Chỉ phòng, trừ loại sâu hại này khi chúng chưa đục vào quả. Dùng các loại thuốc như Decis, Sherpa 20EC, Sumicidin 20EC, Cymerin

Bọ trĩ: Phun bằng các loại thuốc Admire 500SC, Conidor 100sl, Baythroid 50sl.

Bọ phấn: Là tác nhân quan trọng truyền bệnh virus cho cà chua. Dùng Sherpa 20EC, Trebon 10EC, Karate 2,5 EC để phun .

Chú ý : Tuân thủ kỹ thuật, nồng độ và thời gian cách ly của từng loại thuốc theo sự hướng dẫn của đơn vị sản xuất thuốc ghi trên bao bì. Không sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4D, hoặc hoá chất độc hại khác xử lý đậu quả cho cà chua.

Nguồn: Tổng hợp